QUY CHẾ TÀI CHÍNH
CÔNG TY ……..……………
CHƯƠNG I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Quy chế tài chính của Công ty được xây dựng trên cơ sở Luật Doanh nghiệp, Pháp lệnh Kế toán thống kê và Điều lệ Công ty.
Điều 2: Quy chế tài chính này áp dụng trong nội bộ Công ty. Đối tượng thi hành Quy chế Tài chính là toàn thể nhân sự làm việc trong hệ thống Công ty.
CHƯƠNG II: CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH CỦA CÔNG TY
Điều 3: VỐN VÀ TÀI SẢN
3.1 Vốn của Công ty là phần vốn tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh bao gồm:
– Vốn điều lệ
– Vốn vay
– Vốn tích lũy
– Vốn khác
3.2 Tài sản: Gồm tài sản cố định và tài sản lưu động.
Điều 4: NGUYÊN TẮC QUẢN TRỊ VỐN VÀ TÀI SẢN:
4.1.Quản trị vốn: Nguyên tắc chung: Tất cả các cấp quản trị và nhân viên của Công ty phải đảm bảo vốn và tài sản được quản trị và sử dụng trên cơ sở bảo toàn, phát triển và mang lại hiệu quả. Đồng thời phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tổn thất tài sản. Tổn thất tài sản là sự mất mát, hư hỏng làm giảm giá trị hay ứ đọng vốn và tài sản của Công ty.
4.2 Quản trị tài sản
4.2.1 Tài sản cố đinh, đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản:
Tài sản cố định của Công ty bao gồm tài sản cố định hữu hình và vô hình theo quy định về tiêu chuẩn tài sản cố định của Bộ Tài chính.
4.2.2 Khấu hao tài sản cố định
Giám đốc công ty quyết định mức trích khấu hao theo nguyên tắc mức trích khấu hao không được thấp hơn mức quy định của Bộ Tài chính.
4.2.3 Thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và các khoản đầu tư dài hạn:
Công ty được quyền chủ động và có trách nhiệm nhượng bán, thanh lý tài sản cố định đã hư hỏng, lạc hậu kỹ thuật, không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được.
CHƯƠNG III: QUẢN TRỊ DOANH THU, CHI PHÍ VÀ GIÁ THÀNH.
Điều 5: NGUYÊN TẮC QUẢN TRỊ:
5.1. Ban Giám đốc điều hành Công ty xây dựng kế hoạch, tổ chức và kiểm tra chặt chẽ các chỉ tiêu, doanh thu, chi phí và giá thành sản phẩm, dịch vụ với mục tiêu cuối cùng là hiệu quả doanh nghiệp.
5.2. Các cấp quản trị đơn vị sản xuất kinh doanh trực thuộc phải tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh, bảo đảm các chi phí này được trang trải bằng doanh thu đồng thời hoạt động sản xuất kinh doanh phải có hiệu quả.
5.3. Các cấp quản trị của Công ty hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của các khoản doanh thu, chi phí, và kết quả kinh doanh trong phạm vi ra quyết định của mình.
Điều 6: QUẢN TRỊ DOANH THU:
6.1. Doanh thu Công ty gồm doanh thu từ hoạt động kinh doanh đã được khách hàng chấp nhận thanh toán và doanh thu từ các hoạt động khác như: thu từ bán vật tư, hàng hoá, tài sản dôi thừa, công cụ, dụng cụ đã phân bổ hết giá trị, bị hư hỏng hoặc không cần sử dụng, các khoản phải trả nhưng không trả được vì nguyên nhân từ phía chủ nợ, thu chuyển nhượng, thanh lý tài sản, nợ khó đòi đã khoanh, nay thu hồi được, và các khoản thu bất thường khác.
6.2. Toàn bộ doanh thu của đơn vị phát sinh trong kỳ phải được thể hiện trên các hoá đơn, chứng từ hợp lệ và phải được phản ánh đầy đủ vào các sổ sách kế toán theo chế độ nhà nước quy định.
6.3. Các cấp quản trị của Công ty hoàn toàn chịu trách nhiệm về các khoản doanh thu, thu nhập để ngoài sổ sách. Đơn vị hoặc cá nhân vi phạm hay có liên quan tuỳ theo mức độ vi phạm đều bị quy trách nhiệm, truy nộp, thu đền bù và xử phạt theo chế độ hiện hành, trường hợp nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 7: QUẢN TRỊ CHI PHÍ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
Chi phí hoạt động kinh doanh của Công ty và các khoản chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm tài chính, bao gồm:
7.1.Chi phí sản xuất kinh doanh:
b.Chi phí khấu hao tài sản cố định tính theo quy định tại Điều 7 Quy chế này;
c.Chi phí tiền lương, tiền công, chi phí có tính chất lương phải trả cho người lao động thực hiện theo hướng dẫn của Bộ lao động – Thương binh Xã hội.
d.Chi phí giao dịch, môi giới, tiếp khách, tiếp thị, xúc tiến thương mại, quảng cáo, hội họp tính theo chi phí thực tế phát sinh;
e.Chi phí bằng tiền khác gồm:
– Các khoản thuế tài nguyên, thuế đất, thuế môn bài.
– Chi phí ăn ca cho người lao động không quá 730.000đ/người/tháng.
-Xăng xe từ 1.000.000đồng/ tháng/người đến 2.000.000đ/tháng/người
-Trang phục 5.000.000 triệu đồng /người /năm
– Điện thoại từ 1.000.000đồng/ tháng/người đến 2.000.000đ/tháng/người
– Phụ cấp trách nhiệm cho người lao động: phụ thuộc vào tính chất công việc của từng người và mức độ hoàn thành công việc ở từng thời điểm cụ thể.
– Các khoản chi phí bằng tiền khác;
g.Chi phí hoạt động tài chính, bao gồm: các khoản chi phí liên quan tiền lãi phải trả do huy động vốn, chênh lệch tỷ giá khi thanh toán.
7.2. Chi công tác phí:
Công tác phí là một khoản chi phí trả cho CBCNV được cử đi công tác để trả tiền vé tàu, xe cho bản thân và cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc (nếu có); chi phí cho CBCNV trong những ngày đi đường và ở nơi đến công tác kể cả đi công tác trong nước hay nước ngoài.
Chi tiết như sau:
– Chi phí đi lại: Vé máy bay, vé tàu, xe vận tải công cộng từ cơ quan đến nơi công tác và ngược lại, cước qua phà, đò ngang cho bản thân và phương tiện của người đi công tác, phí sử dụng đường bộ và cước chuyên chở tài liệu phục vụ cho chuyến đi công tác (nếu có) mà người đi công tác đã trực tiếp chi trả. Giá vé trên không bao gồm các chi phí dịch vụ khác như: Tham quan du lịch, các dịch vụ đặc biệt theo yêu cầu phải có đầy đủ hoá đơn, chứng từ hợp lệ.
– Chi phí lưu trú : tiền thuê phòng, không bao gồm phí giặt ủi, phí điện thoại cá nhân, ăn uống cá nhân.
– Phụ cấp lưu trú : là khoản tiền do Công ty chi trả cho người đi công tác phải nghỉ lại nơi đến công tác để hỗ trợ tiền ăn và tiêu vặt cho người đi công tác, được tính từ ngày bắt đầu đi công tác đến khi trở về Công ty (bao gồm thời gian đi trên đường, thời gian lưu trú tại nơi đến công tác).
b . Mức chi công tác phí quy định như sau:
Với đi công tác nước ngoài:
– Tiền vận chuyển: mức chi theo thực tế phát sinh.
– Chi phí lưu trú chi theo thực tế phát sinh.
– Phụ cấp lưu trú :
+ Với cán bộ quản lý: mức chi tối đa 600.000đ/người/ngày.
+ Với nhân viên: mức chi tối đa 400.000đ/người/ngày.
Với đi công tác trong nước:
– Tiền vận chuyển: trong nước chi theo thực tế phát sinh.
– Chi phí lưu trú chi theo thực tế phát sinh.
– Phụ cấp lưu trú : mức chi tối đa 300.000đ/người/ngày.
Điều kiện chi công tác phí:
Cán bộ công nhân viên được thanh toán tiền công tác phí trong thời gian đi công tác phải đảm bảo các điều kiện sau:
– Thực hiện đúng nhiệm vụ được giao;
– Được Giám đốc cử đi công tác; hoặc có giấy mời đối tác có liên quan đến công việc chuyên môn và có quyết định cử đi công tác.
7.3.Chi phí khác, bao gồm:
-Chi phí nhượng bán, thanh lý tài sản cố định
-Chi phí về tiền phạt do vi phạm hợp đồng;
-Các chi phí khác.
7.4. Các khoản chi phí đảm bảo đầy đủ chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật. Các khoản chi sai, chi không đúng đối tượng hoặc không có chứng từ, chứng từ không hợp lệ thì không được hạch toán vào chi phí.
ĐIỀU 8: Lợi nhuận và phân phối lợi nhuận
Lợi nhuận của Công ty gồm lợi nhuận hoạt động kinh doanh; lợi nhuận từ đầu tư tài chính và lợi nhuận các hoạt động dịch vụ khác.
ĐIỀU 9: Công tác kế toán, kiểm toán
Công ty phải tổ chức thực hiện công tác kế toán, kiểm toán theo đúng quy định của Nhà nước
- Cuối kỳ kế toán năm, Công ty phải lập, trình bày và gửi Báo cáo tài chính, báo cáo thống kê theo đúng quy định của pháp luật. Chủ công ty chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của báo cáo này .
2.Năm tài chính bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.
CHƯƠNG IV: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10:
– Bản quy chế này có hiệu lực thi hành từ ngày được ban hành. Các quy định trước đây trái với các điều khoản của Quy chế này đều bãi bỏ.
– Các cấp quản trị là Trưởng phòng ban, Phụ trách các Đơn vị sản xuất kinh doanh trực thuộc
Công ty có trách nhiệm phổ biến Quy chế Tài chính này.
– Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị phụ thuộc và các bộ phận chuyên trách chuyên môn cần phản ánh kịp thời về Công ty để nghiên cứu bổ sung hoặc sửa đổi cho phù hợp.